Con đường nghệ thuật đến với Tô Minh Cường như một định mệnh, nếu nói cơ duyên thì cũng không phải mà đây chính là sự theo đuổi đam mê nhiệt tình và cũng là yêu nghề.
Vốn sinh ra là lớn lên từ quê lúa Thái Bình, cái nôi của ngọn nguồn nghệ thuật có những làn điệu chèo cổ, những câu hát xẩm, hát chầu văn ngọt ngào tha thiết, một vùng quê lam lũ quanh năm gắn liền với đồng ruộng với cây lúa củ khoai.
“Chẳng hiểu những câu dân ca ngấm vào máu thịt Tô Minh Cường từ khi nào nữa. Ngày đấy nhớ lại là Bác mình có cho một cái đài to nhưng bị hỏng, mình mang đi sửa không được, và mình phải các thêm tiền dành dụm được hơn 10 nghìn để bác sửa đài đổi cho cái đài bé bằng một hộp bánh đậu xanh, cứ ngày nào cũng nghe chương trình dân ca của đài và đọc chuyện đêm khuya, những câu hát ru nó cứ văng vẳng trong đầu lúc nào cũng chỉ có hát chèo, dù nấu cơm hay phơi thóc, dọn dẹp lúc nào cũng kè kè bên cạnh người, có một hôm để đài trong phòng và xuống bếp nấu cơm, ngày đấy toàn đun bằng rơm rạ. Đến giờ dân ca của đài 10h5 đang đun nấu canh mình dập tắt bếp chạy lên nhà mở đài mang xuống bếp, lúc xuống thì lửa lan cháy ra, may mà có xô nước ở đầu bếp dập kịp lửa. Rồi có lần hai anh em tranh nhau cái đài, em mình thích bóng đá, còn mình thích nghe câu chuyện cảnh giác tối thứ 7, hôm lại là trời mưa phùn gió bấc cuối tháng 11 âm, hai anh em tranh nhau rồi bố bực mình cầm chiếc đài quăng ra ngoài trời mưa, lúc đó chỉ biết khóc hu hu chạy ra cầm cái đài khóc vì nước mưa ngấm hỏng mất không còn nghe được nữa.
Đúng là nghê thuật lúc nào cũng là ngọn lửa nhen nhói trong máu thịt mình, rồi các chương trình hội làng có đoàn chèo trên tỉnh về diễn là tối hôm đấy kéo nhau đi xem, trời tối không có đèn pin phải lấy hộp bột giặt vi-sô, lấy que sắt nung đỏ để đục hai lỗ lấy dây sắt xuyên qua buộc vào một đầu tre rồi đốt nến cho sáng như kiểu đèn lồng. Có lẽ, nhớ lại năm đấy, khi có tin đoàn chèo về tuyển ở quê, lúc đó mình còn nhỏ không đủ tuổi cũng lên hát mấy câu, chắc chèo đã bén duyên từ ngày đấy. Mình nhớ lại là có một cô ở hàng xóm cũng thi, mình có bảo cô dạy cháu bài đấy để hát thế mà cô nhất định giữ khư khư không dạy. Mình đành học hết cấp 2 và lên cấp 3 lần đầu tiên đăng ký 2 trường Nhân văn và Sân khấu Điện ảnh. Ước mơ nhen nhói được làm diễn viên, được hát được diễn, cũng chăm chỉ ôn luyện và khăn gói quả mướp lên kinh dự thi. Người ta có bố mẹ đưa đi đằng này một mình lần đầu tiên lên Hà Nội bỡ ngỡ đường xá và bao hình ảnh hiện ra trước mắt, mình đã gọi cho anh nhà bác gái, thế là anh đón mình về phòng trọ ăn cơm rồi chở sang Ký túc xá để làm thủ tục dự thi và nghỉ trọ luôn trong đó.
Năm thứ 1 thi SKĐA không đỗ, mình vẫn kiên trì và ở lại Hà Nội làm thuê để có tiền đi ôn luyện cho năm sau, mình nhớ lại ở nhà hát chèo Việt Nam có cô Thanh Ngoan và mình đã gọi cho cô bằng số điện thoại bàn liên lạc để cô dạy hát cho mình và được gặp một nghệ sĩ mà cả đời này tôi luôn nhớ mãi hình ảnh hiền hậu luôn chỉ bảo tôi mỗi lúc khó khăn. Bác ấy chia sẻ niềm vui nỗi buồn động viên tôi. Cuộc sống mới lên Hà Nội còn nhiều ngỡ ngàng, tối thì ra bán hàng ở chợ sinh viên, bán giầy, bít tất, báo sóng điện thoại, sáng thì đi bán phở chạy bàn, trưa thì trông hàng quần áo. Có hôm đạp xe từ Mai Dịch đến tận Phùng Khoan để bán bánh mì sốt vang. Trời nắng không sao, những lúc trời mưa tầm tã rét hai hàm răng va vào nhau.
Rồi mùa thi lại đến gần, mình lại làm hồ sơ đăng ký thi tuyển diễn viên tiếp lần này có chu đáo hơn là mình học tạo nguồn được dạy hát và diễn nhưng khi nhận kết quả lại trượt tiếp. Cảm xúc buồn nghẹn chặt ứ cổ khi bạn bè thi đỗ còn mình vẫn hoàn trượt, thi cử thì lận đận không thuận buồm xuôi gió, ở quê nghe được thì bố mẹ buồn lắm, mình đã nói dối là học lớp khác. Rồi lại đi làm thêm để năm tới thi, lần này cũng như trước mình cẩn thận nhờ thầy dạy kỹ hơn đúng ngày gần thi thì hôm đấy đi sang phòng chơi chỉ vì vào nhầm phòng và cái bỡ ngỡ mình đã xin lỗi, sau đó bị một nhóm diễn viên múa và xiếc đánh cho một trận mình bị ngất đưa đi bệnh viện, lúc đấy bố mẹ mới hay tin là con mình thi trượt ở lại Hà Nội ôn thi tiếp, nhưng lần này lại vẫn trượt. Đúng 3 lần thi gian nan vất vả, bạn bè được học, cái cảm giác bị coi thường miệt thị của một số bạn làm mình buồn gần như trầm cảm, rồi lại có một lớp tuyển diễn viên trung cấp của nhà hát, mình cũng thi đa phần là con em trong nghề còn mình tay không, không ai giúp đỡ! Lại không đỗ.
Nghệ sỹ Tô Minh Cường.
Đúng là con đường đến với nghệ thuật không hề đơn giản, không xuôi chèo mát mái, gian nan thử thách, yêu mến say mê tâm huyết là một phần nhưng phải có cơ duyên nữa. Nghệ thuật đánh đổi cả máu và nước mắt. Chính mái trường Cao đẳng Sân khấu Nghệ thuật Thái Bình đã cưu mang và dạy cho mình bắt đầu từ đây. Nghệ thuật say mê yêu thích nhen nhóm ấm ủ nhưng đôi khi cũng chưa hẳn như thế là đủ. Chữ duyên khi nó tròn trịa đầy đủ viên mãn nó sẽ đạt được! Thế mới biết đến với nghệ thuật là con đường trải qua nó thấm đẫm bài học học tài thi phận!
Để được như ngày hôm nay, mỗi lúc tỉnh giấc cứ nhớ lại mà nước mắt ứa ra! Mỗi chúng ta đang được sống và được làm những điều ta thích, đó chính là những khoảnh khắc quý giá nhất. Hãy trân trọng, gìn giữ và nắm chặt nó đừng để nó tuột khỏi tay bạn, hãy yêu thương đến với nhau bằng cả tình cảm chân thành nhất! Tôi thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi cuộc sống như ngày hôm nay! Trải qua mọi mùi vị thăng trầm của cuộc sống, niềm vui nỗi buồn cả nước mắt và máu, máu đã chảy ướt đẫm từ đầu đến vai nhuộm loang cả màu áo trắng, mắt đã tím bầm dập bởi một trận đòn, để đến với câu hát với nhịp trống chèo ngân vang vang mãi! Nghệ thuật là con đường dài nó ngoằn nghèo khúc khuỷu, từng bậc thang cao dốc, ta cứ cố bước lên từng bước, 10 đầu ngón chân bấm chặt vào để lên, không bấm chặt thì sẽ ngã trượt chân là đau và không thể tiếp tục con đường phía trước!”
Ngoài việc là một trong những nghệ sỹ quen thuộc của dòng âm nhạc dân gian, Tô Minh Cường còn có một sân khấu miễn phí cho bà con tại số 28 Hàng Buồm vào thứ Sáu hàng tuần cùng những nghệ sỹ đam mê thể loại chầu văn, hát xẩm.
“Để bảo tồn và phát huy những làn điệu dân ca nói chung và hát xẩm, chầu văn nói riêng, nhiệm vụ của mỗi nghệ sỹ là tự vận động, sáng tạo không ngừng để mang nghệ thuật dân gian tới gần hơn nữa với khán giả.
Có những buổi cuối tuần ở sân khấu số 28 Hàng Buồm, trời mưa, chúng tôi diễn còn khán giả đứng xung quanh che ô xem hát. Có lẽ, chính nụ cười của khán giả hòa trong những hạt mưa đêm khiến tôi nhận ra rằng âm nhạc dân gian vẫn có sức sống, sức lan tỏa bất biến với thời gian”, nghệ sỹ Tô Minh Cường nhấn mạnh.
Từ hát xẩm đến người nghệ sĩ đa tài
Hiện nay, đất nước ta đang dồn toàn lực để chống lại đại dịch Covid-19 và dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã huy động được các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ chiến sĩ, cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cùng nỗ lực khắc phục khó khăn, dốc sức đồng lòng, chung tay chống dịch.
Tuy không trực tiếp ra mặt trận chống dịch, nhưng những người nghệ sỹ như Tô Minh Cường cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những ngày qua, họ đã cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật cổ vũ, nâng cao tinh thần, góp phần thiết thực vào công cuộc phòng chống dịch Covid-19.
Chia sẻ về ca khúc này, Minh Cường cho hay: “Tôi rất trăn trở khi mùa dịch đến, tất cả mọi hoạt động bị ngừng hoạt động, đặc biệt là văn hóa, giải trí. Tôi nghĩ, mình phải có chút gì đóng góp cho đất nước, thế là tôi sáng tác ra bài hát xẩm, một làn điệu dài mang tên là ‘Cùng nhau đẩy lùi virus Corona’”.
Bài hát được Tô Minh Cường sáng tác trong một đêm, sau đó kết hợp cùng các nghệ sỹ khác để ghi hình. Từ đó, được đông đảo những khán thính giả yêu mến dân ca đón nhận rất nhiệt tình.
Không chỉ vừa hát, vừa sáng tác âm nhạc dân gian, nghệ sỹ Tô Minh Cường còn được nhiều người biết đến khi là một nghệ nhân “Múa rối nước”. Chàng nghệ sỹ trẻ tài năng luôn muốn thế hệ trẻ ngày nay không để những loại hình dân tộc dân gian bị biến mất, để biết rằng, những gì của cha ông ta để lại hay và đặc sắc như thế nào.
Cuối cùng, chia sẻ về những dự định trong tương lai, nghệ sĩ trẻ này tiết lộ: “Tôi đang có những dự định kết hợp với nhà trường trên địa bàn TP. Hà Nội để mang làn điệu dân ca đến các trường đại học, đến những bạn học sinh cấp 1, cấp 2…
Ngoài ra, tôi cũng đang dạy hát cho các bạn yêu mến hát xẩm (không phân biệt tuổi tác) tại Trung tâm âm nhạc Thăng Long hoàn toàn miễn phí. Điều quan trọng nhất, tôi muốn đưa nghệ thuật dân tộc gần gũi hơn với mọi người”.
“Các làn điệu như hát chèo, hát xẩm, hát chầu văn ngọt ngào, tha thiết ngấm vào máu thịt tôi từ lúc nào không biết. Tôi theo đuổi nó và hiện tại tôi là nghệ sỹ biểu diễn tự do, tham gia trên các kênh đài giảng dạy miễn phí các làn điệu dân ca cho các bạn trẻ và tham gia các công việc xã hội”, nghệ sĩ Tô Minh Cường nói.
Đặc biệt là hát xẩm, loại hình ca nhạc dân gian mang tính chất chuyên nghiệp, mỗi câu hát là một câu chuyện kể, thông qua đó là bài học, giá trị đạo đức và nhân văn tốt đẹp. Đó cũng chính là lý do đưa Cường đến với loại hình ca nhạc dân gian này: “Tôi đến với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt với hát xẩm như mối duyên lớn, chỉ biết nó bắt đầu bằng tình yêu, niềm say mê chẳng tài nào dứt nổi”.
Bài viết liên quan
- Giang Hồng Ngọc chết lặng khi nghe lời thỉnh cầu của người mẹ mang “án bệnh tử”
- Khúc Hoàng Hà My đoạt Quán quân Giọng ca âm nhạc mùa 3 năm 2024
- Diễn viên La Mindu đổi nghệ danh mới Lâm Minh Du
- Khánh Vân dành 112 triệu đồng giúp trẻ bị xâm hại
- Soạn giả Tô Thiên Kiều trăn trở tình cảnh nghệ sĩ hát cúng đình
- “Ngọc nữ dân ca” Dương Nghi Đình tung loạt MV mới với dòng nhạc Bolero
- Khánh An tiết lộ 2020 sẽ làm “tan chảy” trái tim khán giả nhạc bolero
- Như Huỳnh “đốn tim” khán giả phương Bắc bằng cải lương phương Nam